Chúng ta đều xuất phát từ những điều kiện nội tại của riêng mình cũng như trong môi trường tiếp xúc hoàn toàn khác nhau. Điều này dẫn đến niềm tin của chúng ta hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta đều gặp nhau ở một điểm: “Đó là mong muốn đem lại những điều tốt nhất đến với con của mình”. Ở khía cạnh nào đó thì đây là điều áp lực.

Nếu bạn có thể dõng dạc nói rằng: “Điều này chẳng phải là áp lực gì cả. Tôi biết điều tôi đang làm là tốt cho con tôi rồi.” thì có lẽ áp lực này không còn chỉ có mình bạn mà cả con bạn và những người xung quanh bạn.
Bạn không tin ư? Vậy chúng ta làm phép thử nhé.
Hãy tưởng tượng tôi đang đứng bên cạnh bạn và cả con bạn ngay lúc này. Tôi đã xin phép bạn để có thể trò chuyện với bé. Tôi hỏi bé: “Nếu bây giờ con có một điều ước và điều ước này sẽ thành hiện thực vào ngày mai. Vậy thì con sẽ ước điều gì?”. Thế là bé hào hứng nói ra điều mà bé mong muốn. Bạn hãy xem thử điều mà bé mong muốn có giống điều mà bạn đang mong muốn cho bé không? Ở đây, bạn có thể tranh luận rằng: “Bé vẫn còn nhỏ, vẫn còn giới hạn, không thực tế, không hiểu được điều gì là tốt cho bé”. Tuy nhiên, cũng với phần tranh luận này, tôi chuyển qua hướng khác là trong môi trường công sở chẳng hạn. Bạn sẽ đâu đó gặp phải những đồng nghiệp, đối tác, khách hàng mà khiến cho bạn tự tranh luận với bản thân mình rằng: “Góc nhìn của bạn A thật hạn hẹp, không hiểu sao lại có thể phát biểu và làm như vậy”.
… Oh, bản chất suy cho cùng đồng nghiệp A cũng không khác gì cách đánh giá của bạn với con của mình. Như vậy, cốt lõi vấn đề là do đâu? Tôi mạnh dạn đoán, đó là, “mong muốn” của chúng ta ở người khác nếu không được “thoả mãn” thì đó là gánh nặng về mặt tâm trí cho chính chúng ta. Nếu nó đủ lớn thì nó trở thành định kiến, định hình cách chúng ta đối xử và hành động đối với người đó. Thế nhưng nếu chúng ta không thể tác động đến họ thì chúng ta có khuynh hướng lôi tâm trí của mình ra để “tra tấn” và “tự thoả mãn” mong muốn của bản thân. Tuy nhiên, nếu làm vậy thì mọi thứ chỉ diễn ra trong tâm trí của chúng ta mà thôi. Đây được xem là một áp lực về tâm trí khá nặng nề và can thiệp khá thô bạo vào chính tâm trí và cơ thể chúng ta.
Còn trong trường hợp nếu đối tượng là con chúng ta thì đó là chuyện khác. Chúng ta hoàn toàn có thể dùng quyền lực tuyệt đối của mình để “uốn” con theo suy nghĩ của mình, mà theo đó chúng ta luôn cho là tốt nhất cho chúng. Từ đây, áp lực của bạn sẽ chuyển sang cho con của bạn.
Ở đây chúng ta tạm thời chưa bàn đến áp lực mang tính chi phối này là có lợi hay hại mà chúng ta hãy lùi lại một bước để quan sát. Từ đó, chúng ta tiếp cận được một sự thật với trải nghiệm thực tế là với điều ước mà tôi đã hỏi bé ở trên sẽ có nhiều kết quả khác nhau cho từng bé nhưng điều ước của các bé tựu trung lại có 2 hướng chính:
- Thứ nhất là điều ước này phản ánh việc bé đang cảm thấy thiếu và khao khát nhất vào lúc này. Ở đây, chúng ta chưa cần tìm hiểu khát khao này đến từ đâu và nó hình thành như thế nào. Hãy cứ xem nó là hiện tượng “có mặt” ngay tại thời điểm này.
- Thứ hai, đây là điều mà bé tạo ra với một đầu óc tưởng tượng, sáng tạo của riêng bé và nó có thể loại bỏ các logic thông thường mà người lớn như chúng ta nhìn vào cho là thiếu thực tế hoặc đầu óc “trẻ con”.

Với thực tế này thì trong cả 2 trường hợp chúng ta có rất ít cơ hội cho thấy mong muốn của chúng ta so với mong muốn của trẻ em là như nhau, không quan trọng là trong ngắn hạn hay dài hạn. Xét cho cùng thì điều ước ấy hoàn toàn chỉ là 1 sự kiện, 1 hiện tượng được “phơi bày”. Do đó, nếu có sự kết nối thuần tuý thông qua việc quan sát, lắng nghe với đầu óc “không phán xét”, thư giãn, không chút áp lực giữa chúng ta với con thì chúng ta sẽ cho phép “điều kỳ diệu được xảy ra“.
Bạn có thể sẽ phải thốt lên rằng: “Điều kỳ diệu ư? Nghe có vẻ huyền bí và phi thực tế. Tôi không chắc là tôi có thể làm được điều đó!”
Không, đây là điều thực tế hơn bao giờ hết. Nó sẽ cho bạn một trải nghiệm từ sự thấu hiểu thực tại của đứa trẻ và từ đó sẽ khơi gợi cho bạn một góc nhìn khác của giáo dục. Một hình thức giáo dục dựa trên trải nghiệm được củng cố của riêng bạn.
Tất nhiên việc nuôi dạy đứa trẻ không chỉ nằm trong khuôn khổ của một điều ước mà chúng ta cần tạo ra và nuôi dưỡng các hoạt động trong các lĩnh vực, môi trường khác nhau cho trẻ. Từ đó, chúng ta sẽ có được những trải nghiệm tự thân được củng cố và đi sâu hơn về việc nuôi dưỡng một đứa trẻ với tâm thế tự do, thân thể khoẻ mạnh và một tâm linh minh mẫn.
Dựa trên định hướng trên, các trải nghiệm này được củng cố qua các bài viết chia sẻ thực tiễn trong các chuyên mục khác nhau. Cũng thông qua đây, chúng tôi mong muốn cộng đồng các bậc Phụ Huynh & Thầy Cô hay những người có liên quan trực tiếp với giáo dục và nuôi dạng trẻ có thể chia sẻ thêm các trải nghiệm tỉnh thức này trong quá trình kết nối sâu với thực tại riêng giữa chúng ta và các con..
..Bởi vì:
“Hơn bao giờ hết, để chữa lành cho trẻ từ khi thai giáo cho đến trưởng thành thì những người xung quanh đứa trẻ cần được chữa lành. Trong đó, Cha Mẹ hay các Bậc Phụ Huynh là những nhân tố quan trọng nhất trong hành trình chữa lành của con. Đây là hành trình trải nghiệm được củng cố trong suốt quá trình nuôi dạy con trẻ. Để có được trải nghiệm này thì đứa trẻ cần sự kết nối mang đầy tỉnh thức từ các Bậc Phụ Huynh và Thầy Cô.”