Nhà chúng tôi có thói quen hay đi ăn Phở 24, mặc dù món phở này không rẻ tí nào. Tuy nhiên, hai đứa nhóc con nhà tôi rất thích đến đó, một phần là vì phở nhưng phần lớn còn lại là được vẽ. Đây là dạng mong muốn “kép” của tụi nhỏ.

Chỗ chúng tôi đến hầu như trung bình chỉ có 2-3 nhân viên phục vụ. Trong đó, một bạn thì hầu như dành thời gian đảm nhận phần đặt món, tính tiền. Hai bạn nhân viên còn lại chỉ chú tâm xử lý phần làm món ăn cho khách. Hôm nay khi chúng tôi đến thì chỉ có 2 bạn nhân viên và khách cũng hơi vắng hơn mọi khi. Dạo này tình hình kinh tế có vẻ không tốt lắm nên mọi thứ cần tối ưu hơn về chi phí. Đó là lý do Phở 24 giờ chịu khó khuyến mãi hơn trước, với đầy màu sắc của các tấm quảng cáo và các vòng quay may mắn nhận quà với các điều kiện mua theo số lượng. Dẫu vậy, nơi đây chỉ mang “màu sắc vắng vẻ” khi chúng tôi đến.
Bình thường tụi nhỏ đến đây thì đều hay tranh giành nhau để được vẽ. Điều này không có điều gì lạ, bởi vì mỗi lần chúng tôi đến thì đều chỉ được nhận được 1 hộp bút màu duy nhất. Hai đứa nhóc thì luôn muốn hộp bút màu ở phía mình để được chọn bút vẽ mình muốn. Chúng tôi đã từng giải thích với tụi nhỏ về việc cần chia sẻ theo nhiều cách khác nhau, cũng như để mặc hai đứa xử lý vấn đề này của riêng chúng. Tuy nhiên, có vẻ năng lượng của bọn trẻ khá mạnh và nổi trội nên vấn đề này đôi lúc trở nên khá ồn ào nơi công cộng.
Quan sát bọn trẻ, suy cho cùng tôi thấy chúng rất tập trung vẽ. Sự tập trung trong tự do, tôi thấy vậy. Tuy nhiên, điểm này có chút “tác dụng phụ” trong nguồn năng lượng mạnh mẽ của chúng. Đó là sự đấu tranh chiếm hữu “cây bút vẽ kế tiếp” mà chúng cần đến trong sự tập trung của riêng mình. Điều này có vẻ không liên quan mang tính gốc rễ gì đến “tính hơn thua và chiếm hữu sẵn có”. Chúng cần cách xử lý các “tác dụng phụ”. Thông qua tương tác, bọn trẻ đôi lúc sẽ xử lý được nhưng sẽ cần thời gian, hoặc mỗi đứa hình thành một cách để đối mặt với điều này mà chúng tôi cũng không rõ nó sẽ thế nào. Suy cho cùng, việc quan sát và tính kết nối một cách thuần tuý trong hình thái “vắng bặt” sự phán xét đã đưa tôi đến một hành động mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Nó thực sự giải quyết vấn đề này tại thời điểm đó.

Lần này, tôi mua cho 2 đứa chỉ 1 ly nước trong gói combo phở kèm nước, thay vì 2 ly riêng biệt như mọi khi. Trong khi chờ đợi phục vụ món ăn, tôi cho 2 đứa chủ động đề xuất việc xin hộp màu. Khi nhận hộp màu từ nhân viên, tôi nói với bọn trẻ rằng “Hôm nay chúng ta chỉ có thể mua được một phần nước, có muốn hơn cũng không được, vì chúng ta chỉ có đủ tiền cho 1 phần nước này.” Việc này thật là đột ngột. Hai chị em có vẻ khựng lại một chút do thay đổi thói quen, nhưng không sao, hộp màu có vẻ là vấn đề quan trọng hơn.
Bây giờ, tôi lại nói tiếp: “Các con hãy xem hộp màu này đây. Hãy chú tâm vào mỗi màu sắc của từng bút màu một. Mỗi một màu hoàn toàn có thể tạo ra một thế giới riêng tuyệt vời của chúng. Tuy nhiên, các con có thấy là các bạn bút màu này lại nằm chung trong một hộp, một ngôi nhà chung không?. Các bạn bút màu hoàn toàn mong muốn được chia sẻ thế giới riêng của các bạn. Điều này làm cho 2 bức tranh mà các con sắp vẽ được tạo ra theo sáng tạo riêng của các con. Do đó, khi các con bắt đầu biết chia sẻ màu sắc như các bạn bút màu thì bức tranh của các con không hề mất đi sự sáng tạo mà trái lại còn sáng tạo hơn nhiều.” Ở đây, khi đánh giá lại phần tôi vừa nói, tôi chợt nhận thấy được một sự thật là mỗi một đứa trẻ như có sự gắn liền mật thiết đến sự sáng tạo một cách tự nhiên.
Ở khía cạnh logic, tôi không nghĩ lời nói này có thể tác động với tụi nhỏ. Tuy nhiên, phải thú thật rằng đây là một sự thật mang tính “bản thể” (cội nguồn). Điều này thể hiện rõ nét khi cả 2 đứa đều “thư giãn đến lạ lùng khi vẽ”. Không hề có sự “chiếm hữu cây bút vẽ tiếp theo” mà trái lại chúng lại nhường nhau trong trạng thái “an nhiên đến kỳ lạ”. Kỳ lạ vì chưa bao giờ thấy trong hoàn cảnh như vậy. Thêm một điều nữa là, khi một đứa cần cây bút màu nào đó mà đứa còn lại đang dùng thì đứa cần cây bút lại “không đắn đo” nói rằng: “Con không cần cây bút đó nữa, để sau, con có thể lấy cây bút còn lại để vẽ màu ở phần khác.” Chúng cứ thể lật tới, lật lui ảnh chúng vẽ và sáng tạo tiếp tục trên đó. Cảm giác nó cứ như vô tận. Khi kết thúc phần vẽ, cả 2 đứa đều khoe bức tranh mình vẽ. Đứa lớn thì ngôi nhà tranh, dòng sông, ánh mặt trời, cây cối, cánh chim,.. Một sự “an yên” trỗi dậy khi nhìn vào bức tranh ấy. Đứa nhỏ thì chủ yếu tô màu về gia đình quanh một bữa ăn cười nói và vẽ thêm nhiều trái tim xung quanh. Một sự ấm áp lạ thường từ bức tranh.

Mọi thứ từ đây diễn ra hoàn toàn một cách tự nhiên. Có thể nó đến từ đâu đó nhưng thực sự tôi không chủ đích đưa ra lời nói hay sắp đặt. Nó có thể là sự thôi thúc qua một quá trình nhưng chắc chắn quá trình đó có sự kết nối sâu và bỏ qua yếu tố tác dụng phụ của việc “chiếm hữu”. Hơn nữa, sau đó, tôi cũng nhận ra được rằng mỗi một đứa trẻ đều có một chiều sâu mang tính “nguồn cội” thật to lớn. Nó cần người xung quanh thấu hiểu chúng, không dùng định kiến thói quen ban đầu của tư duy thì điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Một trải nghiệm lạ nhưng cần được củng cố trên hành trình nuôi dạy và chữa lành chẳng những đứa con chúng ta mà ngay cả đứa trẻ bên trong chúng ta.